Skip to main content

Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn

Đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ngày 04/11/1909 trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học tại làng Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Ngay từ những năm tháng học tại trường tiểu học Pháp - Việt Lạng Sơn, Hoàng Văn Thụ đã bắt đầu những hoạt động yêu nước bằng việc tham gia thành lập Nhóm học sinh yêu nước tại trường.

1

Tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ

Trong các năm 1925 - 1926, những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã lan rộng ảnh hưởng đến Lạng Sơn, như làn gió mới thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong trái tim đầy nhiệt huyết của Hoàng Văn Thụ và thôi thúc đồng chí đến với cách mạng.

Sau khi tốt nghiệp trường tiểu học Pháp - Việt tại Lạng Sơn, tháng 01-1928, đồng chí Hoàng Văn Thụ sang miền Nam Trung Quốc tìm cách liên hệ với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở đó và được kết nạp vào Hội. Đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng các đồng chí của mình đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách và có nhiều công lao, đóng góp quan trọng từ thời kỳ đầu vận động thành lập Đảng.

Cuối năm 1929, đồng chí Hoàng Văn Thụ được lãnh đạo Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Long Châu cử ra Nam Ninh liên lạc với cán bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng.

Trải qua hoạt động thực tiễn cách mạng và đấu tranh gian khổ, đồng chí Hoàng Văn Thụ trở thành đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn, một trong những đảng viên lớp tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là cán bộ lãnh đạo đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn.

Trên cương vị Bí thư Đảng bộ đặc biệt Long Châu (1933), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cùng các đồng chí trong Đảng bộ Long Châu đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng và tuyên truyền, vận động cách mạng tại vùng biên giới và phát triển vào nội địa. Cuối năm 1934, đầu năm 1935, đồng chí Hoàng Văn Thụ nhận nhiệm vụ đến Ma Cao giúp việc Ban Chỉ huy ở ngoài chuẩn bị Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương (3/1935). Sau Đại hội, Đồng chí được Đảng phân công tiếp tục chỉ đạo công tác ở vùng biên giới phía Bắc, phụ trách một địa bàn rộng lớn: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, đồng thời giữ mối liên lạc với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng.

Ngày 25/9/1936, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng (Bắc Sơn), kết nạp đảng viên, thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bắc Sơn. Đầu năm 1937, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới Thông Nông (Cao Bằng) để chỉ đạo vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh, đồng thời trực tiếp chỉ đạo mở một số lớp huấn luyện cán bộ ngắn ngày để làm nòng cốt cho phong trào cách mạng ở Cao Bằng. Trước yêu cầu mới của phong trào cách mạng ngày càng mở rộng ở Tràng Định, ngày 11/4/1938, đồng chí đã tới xã Phi Mỹ (nay là xã Tri Phương, huyện Tràng Định), kết nạp đảng viên, tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Tràng Định.

Từ giữa năm 1938, trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Xứ uỷ Bắc Kỳ phân công tăng cường chỉ đạo củng cố phong trào cách mạng ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên và Hải Dương. Tháng 9/1939, đồng chí được phân công làm Bí thư Xứ ủy, trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng Hà Nội và vùng phụ cận. Bằng kinh nghiệm hoạt động bí mật, với tài tổ chức, nhân mối cơ sở cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp củng cố các cơ sở đã có ở Hà Nội, xây dựng thêm cơ sở bí mật ở vùng ven đô, vùng phụ cận như Vĩnh Tường (Vĩnh Yên), Thanh Hà (Hải Dương); chắp mối, củng cố phong trào công nhân và cơ sở quần chúng ở vùng mỏ Đông Bắc.

 Tháng 11/1940, tại Hội nghị Trung ương 7, đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Sau Hội nghị, đồng chí được Đảng phân công đi Tĩnh Tây (Trung Quốc) để tìm bắt liên lạc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, báo cáo tình hình phong trào cách mạng trong nước đồng thời nhận chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để chuẩn bị địa điểm đón Người về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam; cùng Ban Thường vụ Trung ương khẩn trương chuẩn bị nội dung Hội nghị Trung ương 8. Tại Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được Đảng phân công phụ trách công tác dân vận, Mặt trận và là thành viên bộ chỉ huy tối cao của cách mạng Việt Nam lãnh đạo xây dựng lực lượng, chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa.

Với trọng trách Đảng tin tưởng giao phó, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cùng Ban Chấp hành Trung ương do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển các tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh từ Trung ương tới địa phương; xây dựng An toàn khu (ATK); đẩy mạnh công tác công vận, binh vận, địch vận, xây dựng lực lượng vũ trang… rất hiệu quả, góp phần vào quá trình chuẩn bị mọi mặt, thúc đẩy thời cơ, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ còn có nhiều đóng góp trên lĩnh vực báo chí cách mạng. Trong thời kỳ hoạt động ở Long Châu, Đồng chí là Chủ nhiệm báo Tranh đấu, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền cách mạng, vận động quần chúng yêu nước ở miền Nam Trung Quốc và các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí quyết định xuất bản báo Giải phóng và trực tiếp làm chủ bút, tích cực viết bài tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, phổ biến kinh nghiệm, phương pháp xây dựng tổ chức đảng, lực lượng cách mạng; giáo dục chính trị tư tưởng, vận động, khích lệ các tầng lớp Nhân dân yêu nước tham gia đấu tranh cách mạng.

 Ngày 25/8/1943, trên đường từ đền Voi Phục đến liên lạc với cơ sở binh vận ở ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (nay là khu vực Nhà máy in Tiến bộ, Hà Nội), đồng chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt, sau đó giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Trong những ngày tháng bị giam cầm, kẻ thù dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt, vừa dụ dỗ, mua chuộc, vừa tra tấn hết sức dã man, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết kiên trung của người cộng sản. Đồng chí Hoàng Văn Thụ là tấm gương kiên trung bất khuất của người chiến sĩ cộng sản; chiến đấu tới hơi thở cuối cùng vì lý tưởng cao đẹp, vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Cuộc đời hoạt động và tấm gương hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã để lại cho các thế hệ cách mạng đời sau những bài học vô cùng quý báu. Tấm gương người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ kiên trung, bất khuất sẽ mãi mãi là niềm tự hào to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta./.

                                                                                    Nguồn: http://tuyengiaolangson.vn/

About